Sau 500 năm thất truyền, một dòng gốm hồi sinh. Dòng gốm ấy thấm đẫm hồn Việt, mang vẻ đẹp kiêu sa – dòng Chu Ðậu. Có mấy dấu mốc đáng chú ý để chúng ta tìm lại được dòng gốm quý ấy.
Dấu mốc thứ nhất: Tháng 6/1980, ông Ngô Duy Ðông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhận được một lá thư gửi đến từ xứ sở hoa anh đào xa xôi – thư của ông Makoto Anabuki, làm việc tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Thư có đoạn: “Tôi mới được biết Viện bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn một lọ Hoa lam Việt Nam, đã được xuất cảng Việt Nam hồi thế kỷ 15, thế kỷ 16. Lọ ấy có mang chữ Hán như sau: Ðại hòa bát niên Nam Sách Châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút. Nghĩa là, năm 1450, một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách đã vẽ (hoa văn trên lọ).”
Dấu mốc thứ hai: Năm 1998, hải quân ta và các ngư dân đã phát hiện năm con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, vùng biển Hội An. Khi trục vớt các con tàu ấy, đã thu được khoảng 400 nghìn cổ vật. Các hãng tin trên thế giới bình luận ồn ào về một dòng gốm kỳ ảo của Việt Nam.
Không lâu sau đó, 46 bảo tàng danh tiếng trên thế giới đã sưu tầm và trưng bày gốm cổ Chu Ðậu. Trong phiên đấu giá đầu tiên tại Mỹ, chiếc bình gốm Tỳ bà cổ Chu Ðậu (cao 24 cm) đã được bán với giá 512 nghìn USD. Còn chiếc bình Hoa lam Chu Ðậu hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tokapi Saray Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ được mua bảo hiểm hàng triệu USD.
Dấu mốc thứ ba, còn khá mới mẻ: Năm 2000, anh Nguyễn Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) sau khi đọc các bài báo viết về sự kiện trục vớt các con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, đã bay ngay vào TP Hồ Chí Minh. Anh Thắng bàn với anh Nguyễn Văn Lưu, lúc đó là Trưởng phòng xuất nhập khẩu của HAPRO, đây là thời cơ vàng, phải nghiên cứu, làm dự án khôi phục nghề gốm Chu Ðậu. Thế rồi một năm sau đó, tháng 10-2001, Xí nghiệp gốm Chu Ðậu ra đời. Nguyễn Văn Lưu “bay” từ phương nam ra và “đậu” trên đất Nam Sách, Hải Dương, gây dựng cơ ngơi tự thuở ban đầu.
Giám đốc Nguyễn Văn Lưu, 51 tuổi, lai lịch hầu như chẳng dính dáng gì đến nghề gốm. Anh tốt nghiệp “trường Cầu Rào” (Ðại học hàng hải), rồi đi làm thuyền trưởng hải quân. Rồi rẽ ngoặt sang ngành an ninh, đeo lon Ðại úy. Và còn nhiều lần “rồi” nữa, trước khi về làm gốm. Con tàu ấy giờ neo vững ở bến này. Nguyễn Văn Lưu nói về dòng gốm Chu Ðậu, về văn hóa xứ Ðông tường tận, tỉ mỉ, như một nhà nghiên cứu, một chuyên gia thực thụ:
– Các anh, chị biết không, gốm Chu Ðậu được coi là gốm đạo, gốm bác học. Nó in đậm dấu ấn những giá trị nhân văn của Phật giáo, Nho giáo. Nhờ những hoa văn trang trí rất độc đáo, khiến cho gốm Chu Ðậu không thể lẫn với các loại gốm khác. Có hai sản phẩm tiêu biểu nhất là bình Hoa lam và bình Tỳ bà.
– Hai chiếc bình ấy, như đã nói ở phần trên, có giá hàng chục tỷ đồng. Hoa lam là bình cha, Tỳ bà là bình mẹ, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực âm dương – trời đất – vợ chồng. Theo thư của ông M.Anabuki, thì từ thế kỷ 15, bà Bùi Thị Hý, người Nam Sách, đã vẽ nên những hoa văn tuyệt vời này.
– Trên bình Hoa lam, hoa văn được trang trí bằng hoa cúc đại đóa, thể hiện cho người chính nhân quân tử. Các sản phẩm gốm cổ Chu Ðậu đều được vẽ dưới men, nung trong lửa lò, sau lấy ra phủ men tam thái lên trên, lại đem nung nhẹ lửa để giữ mầu. Ðủ thấy những nghệ nhân Chu Ðậu xưa rất chú trọng về kỹ thuật và công phu chế tác.
– May thay, sau hơn năm thế kỷ, nghề gốm lại hồi sinh trên đất lành, đất thiêng. Những cháu, chắt, chút, chít của các dòng họ Ðặng, Vương, Vũ… mà tiêu biểu là nghệ nhân Ðặng Thị Hý, lại tạo tác những sản phẩm quý trên nền tảng một dòng gốm thuần Việt. Ba loại sản phẩm chủ yếu hiện nay là: đồ gốm phục cổ, đồ gốm đương đại, đồ gốm với đất gan gà.
– Chu Ðậu nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, cách TP Hải Dương chưa đầy 10 km. Nơi đây giáp ranh Chí Linh, một dải đất có nhiều đất sét trắng. Theo tính toán của các nhà khoa học, khoảng 500 ha có đất sét trắng, đến nay mới khai thác, sử dụng khoảng một nửa. Ðất sét trắng là nguồn nguyên liệu quý để làm gốm, sứ.
– Nghề làm gốm có câu nói cửa miệng: “Nhất liệu, nhì nung”. Khách thăm đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn những cô gái đồng chiêm óng ả lưng thon, miệt mài tạo dáng gốm. Phương pháp tạo dáng cổ truyền làm bằng tay trên bàn xoay.
– Bằng những động tác thuần thục, chính xác, các cô “vuốt tay, be chạch” trên bàn xoay. Thợ ngồi trên một chiếc ghế cao hơn mặt bàn, khéo léo dùng chân quay bàn xoay, bàn tay thoăn thoắt vuốt đất, tạo nên dáng những bình, những lọ, những chậu… Nguyên liệu trước khi đưa vào bàn xoay được vò nhuyễn, cuốn thành thoi rồi ném (bắt nẩy) để thu ngắn dần. Rồi thỏi đất được đặt giữa bàn xoay, vỗ mạnh cho dính chặt, lại nén và kéo cho tới khi nhuyễn dẻo mới “đánh cử” đất và “ra hương”.
– Từ xa xưa, những cô gái Chu Ðậu hiền thục, khéo tay dùng bàn xoay xoay vuốt vuốt, tạo dáng ban đầu sản phẩm, đó là nét rất riêng của nghề gốm Việt Nam, không giống với cách làm gốm của phương Tây. Ngày nay, việc tạo hình gốm sản phẩm chủ yếu bằng khuôn in – khuôn bằng thạch cao, hoặc gỗ. Người thợ đặt khuôn giữa bàn xoay, ghim chặt lại, láng lòng khuôn, rồi ném mạnh đất in sản phẩm cho bám chắc chân giữa lòng khuôn, vét đất lên lợi vành, quay bàn xoay và kéo cán tới mức cần thiết để tạo sản phẩm ưng ý.
– Nung gốm đòi hỏi kỹ thuật cao, bảo đảm thời gian và nhiệt độ thích hợp để gốm không bị già hoặc non lửa. Anh Nguyễn Quốc Việt, một thợ đốt lò lâu năm giảng giải:
– Có cả thảy ba giai đoạn để thành một sản phẩm gốm hoàn chỉnh. Thứ nhất, phải sấy từ 30 phút đến một giờ. Thứ hai, khâu chủ yếu là đốt, ngắn nhất từ bảy đến tám giờ, dài nhất từ 10 đến 15 giờ. Thứ ba, bảo ôn, tức là giữ nhiệt “đứng im” trong lò chừng một giờ trong khoảng 1.200 độ C.
– Khi nào thì gốm hỏng, hoặc kém chất lượng? Tôi hỏi.
– Hỏng! Chả tránh được, nhưng ít. Lâu lắm mới bị một lò hỏng trăm phần trăm. Là do ga sống. Các sản phẩm ra lò bị méo, bị nhòe mực và mầu không chuẩn. Nước ấy thì chả cách gì cứu được, chỉ có đập vỡ mà… đổ ra đường.
– Lại nói về mầu hoa văn trên gốm. Họa sĩ Ðỗ Ngọc Hân bảo: “Có người tưởng đơn giản, cứ mang mấy thỏi mực tàu ra mài rồi vẽ. Mực trang trí đồ gốm phải làm công phu lắm. Chả biết thời trước cụ Bùi Thị Hý pha mầu thế nào. Chứ bây giờ thì chúng em dùng mực kim loại, pha ô-xít sắt với ô-xít cô ban theo đúng tỷ lệ. Mực này khi nung, nhiệt độ cao hơn 1.000 độ C mới chịu được, không bị cháy, bị nhòe”.
– Các họa tiết trên bình cổ thường là cây cỏ, hoa lá, chim muông, được cách điệu. Cũng có bình vẽ các nhân vật thần thoại, như Thánh Gióng, Thạch Sanh… Có chiếc bình lớn họa sĩ hì hục vẽ suốt một tuần. Trước mặt là ba bốn đĩa mực, chung quanh đủ các loại bút. Nào là bút tỉa, bút đi nét, nào là bút mảng to, mảng nhỏ.
– Họa sĩ Hạ Bá Ðịnh năm nay gần 70 tuổi. Ông về hưu, sống ở TP Hải Dương nhưng vẫn lên Chu Ðậu truyền nghề. Giọng trầm ấm, ông kể: Nghề này học ở trường chưa đủ. Học từ thầy và học từ đất, từ trong dân gian mới nên trò nên trống. Thợ vẽ gốm cao tay, hoa văn, họa tiết luôn hài hòa với dáng gốm. Các nghệ nhân Chu Ðậu dùng các họa tiết truyền thống như: ngỗng ấp, hoa cúc dây, hoa đào… nhưng nét thì mỗi người mỗi vẻ. Chú hỏi nét vẽ đẹp là thế nào ư? Là ngay trong một nét vẽ đã có sắc độ, có đậm, có nhạt. Kể cả nét bệt bút và công bút đều phải có sắc độ. Rồi là nét phải hoạt. Thủ pháp giỏi là ở độ rung bút. Khi dầm bút, nét hơi rung thì nét có hồn. Nghệ nhân giỏi mỗi nét chỉ phẩy bút một lần, tô lại, chữa lại là vứt.
– Ông Hạ Bá Ðịnh học nghề làm gốm từ người cha là cụ Hạ Bá Loan. Năm 13 tuổi tiếp tục theo học cụ Bùi Tường Viên, kỹ sư si-li-cát từ thời Pháp thuộc. Gần 60 năm theo nghề, tay bút, tay thước đi khắp thiên hạ, bảy năm nay mới được về quê làm gốm Chu Ðậu. Men quê rung trong lòng. Lửa lò gốm sáng trong lòng. Lần nào cầm bút trước bình gốm lòng ông cũng xao xuyến, bồi hồi. Ông bảo, sự rung động của mỗi người thợ, từ người tạo dáng, người vẽ, người phủ men, đốt lò nó truyền vào sự rung động của gốm. Nghề này, không yêu, không say mê, chẳng tạo ra hồn gốm, nói rộng ra chẳng mang hồn đất Việt.
– Hơn 500 năm trước, gốm cổ Chu Ðậu lên tàu vượt đại dương. Bấy giờ những người làm gốm cũng đồng thời là những nhà thương mại. Có thể, con tàu làm bằng gỗ tếch trên đường tới Tây Ban Nha, đã gặp nạn chìm dưới đáy biển. Ai ngờ, có một ngày những con tàu viễn dương lại vượt sóng, mang theo dòng gốm truyền thống đến với bè bạn năm châu. Thật ngẫu nhiên, chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên là sang Tây Ban Nha. Nay gốm Chu Ðậu đã xuất khẩu sang 15 nước, trong đó có Nga, Ðức, Tây Ban Nha, Italia, Mỹ, Nhật…
– Sản phẩm gốm có hàng nghìn mẫu mã. Bạn bè, đối tác khâm phục nhất vẫn là hai chiếc bình phục cổ Hoa lam và Tỳ bà. Có chuyên gia nước ngoài gọi tên gốm Chu Ðậu là gốm Hoa lam. Có lẽ là do cái mầu gốm rất độc đáo, mầu lam ngọc.
– Ông Tăng Bá Hoành, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương trong một tài liệu nghiên cứu về gốm Chu Ðậu, có trích một câu trong gia phả nhà họ Vương. Nguyên văn: “Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Ðặng Xá xã, dĩ đào bát vi nghiệp, hậu nhất chi di cư Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã. Cụ Vương Quốc Doanh hương công dĩ đào bát vi nghiệp”. Dịch nghĩa: Họ Vương ở xã Ðào Xá, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách làm nghề đồ gốm, sau một chi di cư về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, và cụ Vương Quốc Doanh làm hưng thịnh nghề đồ gốm ở đấy.
– Ngày nay cùng với Chu Ðậu, Bát Tràng, nước ta có nhiều làng gốm, trải dài từ bắc chí nam. Gốm Phù Lãng là loại gốm không men (đất nung). Gốm Bát Tràng men trắng, hoa xanh, họa tiết có sự giao thoa của các nền văn hóa Ðông – Tây. Gốm Chu Ðậu là gốm đạo, men trắng, hoa lam, hoa văn, họa tiết thuần khiết Việt Nam. Dòng gốm ấy phát triển rực rỡ trong suốt mấy thế kỷ, từ thời Lý đến thời Trần, thời Lê.
– Say sưa, Nguyễn Văn Lưu, anh thuyền trưởng hải quân năm nào, lãng mạn:
– Con tàu gốm của chúng ta đang ra biển lớn. Mỗi “công” (container) gốm xuống tàu là một mùa hái quả. Mừng lắm các anh, chị ạ, quả chín tới đâu, bán hết đến đấy. Hợp đồng đặt hàng trong vài năm tới, xong cả rồi.
– Theo tay anh Lưu chỉ, tôi hình dung một làng gốm cổ được tôn tạo, bảo vệ trở thành di sản văn hóa. Rồi một làng gốm, một làng sứ, một khu du lịch, vui chơi giải trí đang hình thành. Xứ Ðông thêm một điểm du lịch văn hóa – lịch sử nổi tiếng.
Ðiểm văn hóa ấy có tên Gốm Chu Ðậu.
Comments are closed.