Mỗi khi nhắc tới ngành hàng thủ công mỹ nghệ Gốm của Việt Nam, không thể không nhắc tới làng nghề gốm “Chu Đậu”. Gốm Chu Đậu nức tiếng gần xa bởi những đặc trưng “rất riêng”. Đặc biệt, với người sành chơi đồ gốm thì chẳng ai lạ gì làng gốm, sản phẩm Gốm mang thương hiệu “Chu Đậu”. Vậy mà, làng nghề này đã có thời gian dài trầm lắng, thương hiệu Gốm “Chu Đậu” có thời bị lãng quên… Để hiểu rõ hơn về thực trạng của mặt hàng Gốm Chu Đậu “xưa và nay” , phóng viên Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu thức – Giám đốc công ty CP Gốm Chu Đậu
PV: Ông có thể giới thiệu qua về làng nghề Gốm Chu Đậu , cũng như về Cty CP Gốm Chu Đậu ?
Ông Nguyễn Hữu thức : Có thể nói, Gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm Cổ Cao Cấp nhất của Việt Nam được phát triển từ thế kỷ XI-XII, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIV-XV. Trải qua không ít biến cố thăng trầm của lịch sử (do triều đại Trịnh-Nguyên phân tranh) Gốm Chu Đậu đã bị thất truyền từ đó. Với mong muốn khôi phục lại dòng gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền hơn 500 năm, biến nơi đây thành một vùng du lịch làng nghề… để thương hiệu Gốm “Chu Đậu” được phát triển bền vững trên thị trường trong, ngoài nước, năm 2001, Ông Nguyễn Hữu Thắng –Nguyên là Giám Đốc Công ty Sản xuất dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội nay là chủ tịch HĐTV Tổng Công Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định thành lập Xí nghiệp Gốm Chu Đậu nay là Công Ty CP Gốm Chu Đậu tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngàyđầu bước vào hoạt động Cty đã vấp phải vô vàn khó khăn, thách thức như: kỹ thuật, công nghệ sản xuất dường như còn là “ẩn số” không lời giải, lực lượng lao động đa phần là người địa phương, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, giá thành nguyên liệu đầu vào sản xuất luôn trong tình trạng lên, xuống “thất thường”. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây cũng như bao doanh nghiệp trên cả nước, Cty đã gặp không ít khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới mang lại… đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới mọi hoạt động, cũng như hiệu quả SXKD của Cty. Nhưng, Cty luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro), đã hỗ trợ, động viên và giúp đỡ Cty rất nhiều. Bên cạnh đó, tập thể CBCNV đã nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng phát huy nội lực cùng nhau vượt khó, phục hồi lại một thương hiệu đã bị thất truyền. Để giờ đây, thương hiệu Gốm Chu Đậu không những được hồi sinh, mà đang ngày một trưởng thành, lấy lại được vị thế như vốn có từ bao đời nay trên thị trường trong, ngoài nước.
PV: Ông có thể giới thiệu qua về mặt hàng Gốm Chu Đậu, cũng như để làng nghề truyền thống Gốm Chu Đậu có được khởi sắc như hiện nay, Cty đã có những động thái gì?
Ông Nguyễn Hữu Thức: Người dân làng nghề Gốm Chu Đậu rất đỗi tự hào về mặt hàng gốm mang tính nghệ thuật cao, giầu bản sắc dân tộc, rất đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc, đa dạng về thể loại sản phẩm… gốm Chu Đậu không chỉ đáp ứng được sở thích của mọi tầng lớp người dùng, mà còn rất hấp dẫn bởi những nét đặc trưng “rất riêng” không giống bất kỳ sản phẩm (cùng loại) nào trên thị trường, đó là các họa tiết bài trí trên sản phẩm đều được họa theo phương pháp thủ công (bằng tay), hình ảnh, màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam thân thương âm cúng như: “có Gốm Chu Đậu trong nhà – Như là có cả ông bà, tổ tiên”. Sản phẩm Gốm Chu Đậu được làm ra từ nguồn nguyên liệu địa phương – nơi có vùng thổ nhưỡng trầm tích, với nguồn nguyên liệu đặc trưng đó cùng chất liệu men tro độc đáo (tro lấy từ vỏ trấu từ hạt lúa vàng), rồi qua bàn tay khéo léo, óc thẩm thấu nghệ thuật cao của các nghệ nhân… tất cả, đã được truyền tải, được “thổi hồn” vào Gốm qua từng đường nét thật uyển chuyển tinh tế mà không mất đi sự mềm mại, lãng mạn để rồi các mặt hàng gốm “Chu Đậu” được “trình làng” rất đẳng cấp, “rất riêng” đó là sự Thanh tao – tinh khôi – rất thuần Việt.
Để làng nghề gốm Chu Đậu được khởi sắc, ngày càng phát triển, khẳng định được vị thế như ngày nay theo định hướng của TCT Thương mại Hà Nội, Cty CP Gốm Chu Đậu đã rất chú trọng đầu tư tổng thể, trong đó đặc biệt coi trọng việc đào tạo, tái đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho CBCNV. Trên cơ sở mẫu gốm cổ sẵn có, mọi người không ngừng học hỏi, nghiên cứu, phát triển mẫu mã mới; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, khích lệ kịp thời, quy tụ đội ngũ thợ lành nghề, thợ có “đôi bàn tay vàng” để nâng cao đẳng cấp cho sản phẩm gốm Chu Đậu… Nhờ vậy, chặng đường qua Cty đã có 3 sản phẩm: Đĩa gốm với 1.000 chữ “Long” viết bằng thư pháp; Bình hoa Lam Đại và chiếc bình Tỳ Bã đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận “xác nhận kỷ lục có kích thước lớn nhất”. Đây là sự kiện đã để lại dấu ấn đậm nét đối với Cty chúng tôi, hình ảnh gốm Chu Đậu giờ đây đã thực sự được nâng tầm, có sức lan tỏa rộng, làng nghề truyền thống nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng nghìn lượt du khách trong, ngoài nước/năm tìm đến, sản phẩm gốm Chu Đậu đã trở thành những món quà lưu niệm độc đáo khiến du khách khi qua đây không dễ gì bỏ qua được. Thú vị hơn, trải qua bao bứt phá ngoạn mục để lúc này đây mục tiêu ban đầu đặt ra, gắn kết du lịch làng nghề truyền thống với sản phẩm làng nghề đã được Cty triển khai thực hiện thành công.
PV: Ông có thể cho biết tình hình hoạt động SXKD cũng như những dự định tới đây của Cty CP Gốm Chu Đậu, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu thức: Năm 2015, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm, khó khăn thách thức vẫn tiếp tục “đeo bám”, đòi hỏi toàn thể CBCNV Cty phải nỗ lực hơn nữa. Nhận thức rõ điều này Tổng Cty đã có chỉ đạo kịp thời, thông qua những hoạch định, chiến lược được xây dựng, triển khai khả thi cho mọi lĩnh vực hoạt động nói chung, trong đó có hoạt động SXKD nói riêng. Nhờ vậy,quý 1/2015 Công ty CP Gốm Chu Đậu đã đạt 33% kế hoạch Tổng công ty giao, tăng trưởng khoảng 145% (so cùng kỳ năm trước).
Tới đây, Cty tiếp tục đầu tư sản xuất nguyên liệu (cao cấp) nhằm tạo ra những dòng sản phẩm gốm cao cấp, có giá trị gia tăng cao, đạt chuẩn chất lượng; Hoạch định lại thị trường trong nước và xuất khẩu, cụ thể: Cải tiến chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, áp dụng phương thức sản xuất truyền thống kết hợp với hiện đại, khoa học công nghệ với thủ công; Chú trọng đầu tư, phát triển các sản phẩm đang được thị trường đón nhận, hấp dẫn người tiêu dùng như: vẽ vàng kim, sản phẩm đồ thờ, đồ gia dụng…; Phát triển hệ thống đại lý trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ngoài ra, phối hợp cùng Cty quà tặng “Năm ngôi sao V-stars gifts” (chuyên cung cấp dịch vụ quà tặng) là nhà phân phối cấp 1 và nhà phân phối độc quyền phía Nam nhằm mở rộng thị trường nội địa, giới thiệu và bán sản phẩm tới người tiêu dùng; Tập trung khai thác thị trường truyền thống: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, thị trường Đông Âu và Nga …, mở rộng thị trường tiềm năng sang trên 100 quốc gia trên thế giới; Định vị các dòng sản phẩm như: đồ dùng trong nhà (Bình, Lọ hoa trang trí, đồ gia dụng), với sản phẩm ngoài vườn thì tập chung vào sản phẩm chậu cây cảnh …
PV: Khó khăn của ngành Gốm mỹ nghệ Việt Nam hiện nay, và để ngành này phát triển bền vững, đủ sức vươn ra “biển lớn” mà không sợ “sóng to, gió lớn”, thì cần những yếu tố gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu thức: Theo số liệu thống kê, hàng gốm sứ của Việt Nam vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực (chiếm khoảng 40%) KNXK ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, với hàng xuất của Cty hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn về: thị trường, sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, kinh tế, chính trị thế giới đang bất ổn chưa mấy phục hồi; sức cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài trên “sân nhà” không cân sức; Vai trò của các Hiệp hội gốm sứ và thủ công mỹ nghệ chưa có sự liên kết đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Nên, thực trạng ép giá hàng hóa trong giao dịnh mua-bán trên thị trường vẫn là chuyện “biết rồi nói mãi”; Doanh nghiệp chào hàng bằng ngoại tệ giá bán ổn định, trong khi giá trong nước thường không ổn định Việt Nam là nước đang phát triển nên chi phí lương hàng năm phải tăng, giá nguyên liệu sản xuất tăng, lương nhân công tăng … dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa hết, Cuối năm 2015 cộng đồng khối Asean thành lập, thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, rồi với các doanh nghiệp nước ngoài chắc hẳn sẽ diễn ra rất khốc liệt… Tôi cho rằng, những tồn tại này cần sớm được khắc phục, mới mong mang lại cơ hội cho ngành Gốm mỹ nghệ Việt nam phát triển bền vững, đủ sức “ra khơi”, không sợ sóng gió
Với Công ty CP Gốm Chu Đậu, chúng tôi nhận thức rõ khó khăn là vậy, cũng đã chuẩn bị thế và lực để vươn ra “biển lớn”. Công Ty CP Gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công ty Thương Mại HN (Hapro) nên Cty nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt trong đó có pháp lý (đăng ký bản quyền), định hướng để hàng hóa được “xuất ngoại” dễ dàng hơn; Ngoài ra, Cty chuẩn bị định vị cơ cấu các mặt hàng, sản phẩm chiến lược mang tính văn hóa, ngoài việc áp dụng sản xuất theo phương pháp công nghệ, thì còn phải chú trọng cả sản xuất thủ công mang tính văn hóa truyền thống, để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, độc đáo về mẫu mã, mang tính ổn định cao, phù hợp thị hiếu với người tiêu dùng, đáp ứng mọi tầng lớp khách hàng trong, ngoài nước.
Xin cảm ơn ông.
Công Du(thực hiện)
Comments are closed.