Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019

1170
0

Ngày 22/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ. Nghị định gồm 03 Chương và 32 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2019.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể về công tác kiểm toán nội bộ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (ii) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Các đơn vị sự nghiệp công lập; (iv) Các doanh nghiệp; (v) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán nội bộ. Các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán bao gồm:

– Công ty niêm yết;

– Doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con;

– Doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác kiểm toán nội bộ. Các doanh nghiệp này có thể đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định để thực hiện kiểm toán nội bộ.

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Có bằng đại học chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán;

– Có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra;

– Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin, có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ;

– Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật;

– Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.

Thẩm quyền ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ là: (i) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (ii) Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (iii) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; (iv) Hội đồng quản trị đối với các công ty niêm yết; (v) Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con; (vi) Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với các doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Căn cứ mục tiêu, chính sách, quy mô, mức độ rủi ro của các hoạt động và nguồn lực hiện có, bộ phận kiểm toán nội bộ xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, bao gồm phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực. Kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm của đơn vị có thể được điều chỉnh khi có thay đổi cơ bản về quy mô hoạt động, diễn biến rủi ro hay nguồn lực hiện có. Và đối với công ty niêm yết kế hoạch này phải được gửi cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty. Hội đồng quản trị công ty sẽ xem xét phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ cũng như ban hành quy chế về kiểm toán nội bộ của đơn vị.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định rõ ràng, cụ thể về Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ, người làm công tác kiểm toán nội bộ cũng như Trách nhiệm của các bên đối với kiểm toán nội bộ.

Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các đơn vị thuộc đối tượng phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định phải hoàn thành các công việc cần thiết để thực hiện công tác kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định này.

CHIA SẺ

KHÔNG NHẬN XÉT

Comments are closed.