Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử...

Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

2727
0

Ngày 21/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Nghị định này gồm 04 Chương và 29 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Mục 3 Chương II Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và các khoản từ 29 đến 41 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2107 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo hết hiệu lực. Đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới được phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Văn bản này được áp dụng đối với  tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Với cơ sở lưu trú du lịch không niêm yết công khai nội quy theo quy định bị phạt tiền đến 05 triệu đồng. Đặc biệt nếu có hành vi bán hàng hóa, dịch vụ không đúng giá niêm yết bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng. Bên cạnh việc phạt tiền, cơ sở lưu trú du lịch vi phạm bị đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Với hành vi tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ hay phân biệt đối xử với khách du lịch bị phạt tiền từ 01 đến 03 triệu đồng.

Đồng thời, hành vi vi phạm hành chính về cơ sở vật chất, dịch vụ lưu trú du lịch không đảm bảo vệ sinh như: Không có khăn mặt hoặc khăn tắm; không thay khăn, thay bọc đệm hoặc chăn gối khi có khách mới cũng bị phạt tối đa đến 03 triệu đồng. Đối với hướng dẫn viên du lịch không sử dụng thẻ hướng dẫn viên khi hành nghề hoặc sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, mức phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng. Xe ô tô du lịch từ 09 chỗ trở lên sẽ bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng nếu:

– Không có rèm cửa chống nắng;

– Không có thùng đựng rác.

Bên cạnh đó, các xe ô tô vận tải du lịch còn bị áp dụng mức phạt tiền này nếu:

+ Không có thùng chứa đồ uống;

+ Không có dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng.

+ Xe từ 24 chỗ trở lên (trừ xe chuyên dụng caravan) không có micro, không có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật theo quy định.

Ngoài ra, còn phạt tới 10 triệu đồng nếu sử dụng nhân viên phục vụ khách du lịch hoặc người điều khiển phương tiện vận tải du lịch không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

CHIA SẺ

KHÔNG NHẬN XÉT

Comments are closed.