- Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh
Ngày 26/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Nghị định gồm 04 Chương và 36 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019. Nghị định này thay thế Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, trừ quy định tại Điều 36 (đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị định quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, việc thi hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh khác. Hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh bao gồm: Hành vi vi phạm quy định về: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; về tập trung kinh tế; về cạnh tranh không lành mạnh và về cạnh tranh khác. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm: doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.
Theo đó, Nghị định này dành riêng một Mục với 06 Điều để quy định về mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Đáng chú ý, hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó hoặc tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật thì bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm.
Đặc biệt, phạt tiền từ 100 – 200 triệu đồng đối với hành vi gián tiếp và từ 200 – 300 triệu đồng đối với hành vi trực tiếp cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Phạt tiền gấp hai lần các mức trên nếu hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Bên cạnh việc phạt tiền, tổ chức, cá nhân còn bị tịch thu tang vật, phương tiện cũng như khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Và mức phạt tiền từ 800 triệu đến 01 tỷ đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. Mức phạt tiền sẽ là gấp đôi trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
- Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
Ngày 30/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Thông tư gồm 05 Chương và 27 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 14/11/2019.
Từ ngày 01/11/2020, Thông tư này làm hết hiệu lực của Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính; Thông tư số 191/2010/TT-BTC ngày 01/12/2010 của Bộ Tài chính; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính; Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015, Quyết định số 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 và Quyết định số 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính.
Thông tư hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử theo quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bao gồm: nội dung hóa đơn điện tử, thời điểm lập hóa đơn điện tử, định dạng hóa đơn điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, quản lý sử dụng hoá đơn điện tử, xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.
Theo đó, các nội dung có trên hóa đơn điện tử, bao gồm: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế); Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền; Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán và người mua; Thời điểm lập hóa đơn điện tử,…
Đáng chú ý, trong một số trường hợp, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua bao gồm cả trường hợp lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài. Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh và người mua, người bán có thể thỏa thuận về việc người mua đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để ký số, ký điện tử trên hóa đơn điện tử do người bán lập thì hóa đơn điện tử có chữ ký số, ký điện tử của người bán và người mua theo thỏa thuận giữa hai bên. Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán. Ban hành kèm theo Thông tư này là mẫu hiển thị của một số loại hóa đơn để tham khảo.
Comments are closed.