Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên...

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Hà Nội – Đường đến thành công: Bài 2: Những đóng góp thầm lặng

2651
0

(HNM) – Cùng với cấp cơ sở, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh còn diễn ra sôi nổi trong khối các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố Hà Nội. Bằng những đóng góp thầm lặng, nhiều cán bộ, đảng viên đã gắn việc học tập, làm theo Bác với nhiệm vụ chuyên môn được giao, từ đó góp phần xây dựng địa phương, đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh.

Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức hướng dẫn người lao động tại xưởng sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt

Người “thuyền trưởng“ của gốm Chu Đậu

Đến thăm cơ ngơi khang trang của Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu, (thuộc Đảng bộ Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần), là thành viên của Tập đoàn BRG, chứng kiến 200 công nhân miệt mài hoàn thiện hàng nghìn chiếc bình gốm làm quà tặng trong các sự kiện của các cơ quan, đơn vị trên cả nước, ít ai biết rằng, doanh nghiệp này từng trải qua những giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức dí dỏm nói: “Nhiều người nghĩ tôi mắc khuyết điểm gì đó, nên mới bị điều về Chu Đậu vào năm 2013 – thời điểm hết sức khó khăn với doanh nghiệp”. Tiếp quản công ty, chứng kiến đời sống của cán bộ, nhân viên nơi đây bộn bề lo toan do sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, trăn trở lớn nhất của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức là khôi phục dòng gốm cổ Chu Đậu, từng phát triển cực thịnh vào thế kỷ XIV-XV, và đến nay nhiều sản phẩm vẫn đang được trưng bày tại 46 bảo tàng thuộc 32 quốc gia.

Sát cánh cùng cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức quyết tâm đổi mới toàn diện quy trình sản xuất để thích nghi với những yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bằng sự say mê, giai đoạn 2016-2017, các nghệ nhân đã phục chế thành công một số mẫu phiên bản gốm cổ Chu Đậu là bảo vật quốc gia như: Bình phượng hoàng, bình thiên nga phỏng theo mẫu bình gốm cổ Chu Đậu.

Nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định, người 20 năm chứng kiến những thăng trầm của doanh nghiệp cho biết: “Không chỉ nỗ lực tìm tòi đổi mới giúp gốm Chu Đậu chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu ra 30 quốc gia, trên cương vị “thuyền trưởng”, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức luôn tận tâm chăm lo đời sống của cán bộ, nhân viên”.

Nhờ sự chèo lái của Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức, tổng doanh thu của gốm Chu Đậu năm 2015 đạt 33,5 tỷ đồng, đến năm 2019 tăng lên đạt 84,36 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần Vũ Thanh Sơn đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Hữu Thức nhiều năm qua luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều sáng kiến giúp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho tổng công ty. Nỗ lực này được ghi nhận bằng nhiều Bằng khen của Trung ương và thành phố Hà Nội. Mới đây nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thức đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tiếp (2015-2020)”.

Thế nhưng, khi nói về những kết quả mà Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu có được, Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Thức khiêm tốn khẳng định, thành quả này có được là nhờ tập thể cán bộ, công nhân viên công ty đã đoàn kết, đồng lòng, luôn noi gương Bác vượt qua khó khăn. Qua đó, từng bước khẳng định vị trí của gốm Chu Đậu trên thương trường.

Những “cây sáng kiến“ miệt mài vì tập thể

Gặp anh Nguyễn Việt Hùng, cán bộ tư pháp – hộ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn – người được đồng nghiệp gọi là “cây sáng kiến” của huyện Sóc Sơn – ấn tượng đầu tiên với nhiều người là sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Thành tích của anh Hùng phải kể đến sáng kiến “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực khai sinh, khai tử trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn”, giúp hơn 2.000 lượt người dân áp dụng thành công. Đáng chú ý, dịch vụ này của thị trấn Sóc Sơn hiện đạt tỷ lệ 100% qua hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư, quản lý hộ tịch trên địa bàn xã, phường, thị trấn” của anh Nguyễn Việt Hùng đã góp phần thay đổi việc quản lý dân cư từ ghi chép sổ sách thủ công sang số hóa. Ngoài ra, sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, đảng viên và các tổ chức trên địa bàn thị trấn Sóc Sơn” của anh Hùng cũng được UBND huyện Sóc Sơn áp dụng. Anh Nguyễn Việt Hùng còn chủ động tham mưu với lãnh đạo thị trấn Sóc Sơn tổ chức đăng ký hộ tịch lưu động; tổ chức lễ trao “Giấy chứng nhận kết hôn” cho công dân, “Trích lục khai tử” cho gia đình khi có việc tang.

Vui mừng khi được UBND thị trấn Sóc Sơn trao giấy chứng nhận kết hôn, anh Nguyễn Long Anh (tổ 4, thị trấn Sóc Sơn) chia sẻ: “Buổi lễ được tổ chức trang trọng, khiến ngày vui của vợ chồng tôi thêm ý nghĩa”… Bí thư Đảng ủy thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá: “Tấm gương tận tụy trong công việc của anh Nguyễn Việt Hùng đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân, góp phần giải quyết nhiều vấn đề mấu chốt trong công tác cải cách hành chính tại địa phương. Anh Hùng rất xứng đáng với danh hiệu “Người tốt, việc tốt” được UBND thành phố Hà Nội trao tặng”.

Cũng đam mê công việc như anh Nguyễn Việt Hùng, chị Ngô Thị Hạnh (Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ – Thương mại sản phẩm da LADODA, huyện Gia Lâm) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Với tay nghề bậc 5/6 cùng kinh nghiệm 15 năm, chị Ngô Thị Hạnh được giao nhiệm vụ Chuyền phó Chuyền may 2, được gọi là “cây sáng kiến” của công ty. Điển hình là 2 sáng kiến trong quy trình sản xuất cặp học sinh chống gù đã giúp công ty tăng năng suất lao động 30%, đồng thời tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Nhận xét về chị Hạnh, chị Sái Thị Kim Anh, công nhân Chuyền may 2 nói: “Chị Hạnh luôn nhiệt tình chỉ bảo, truyền kinh nghiệm về những công đoạn may khó cho công nhân trẻ mới vào nghề”… Còn theo Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ – Thương mại sản phẩm da LADODA Đinh Thanh Hà, chị Hạnh  thường xuyên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm để anh chị em trong đơn vị cùng tiến bộ nên luôn được đồng nghiệp quý mến, trân trọng. Năm 2018, chị Hạnh đã giành giải Nhất hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội, danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Năm 2019, chị cũng đoạt giải Nhì hội thi “Bàn tay vàng ngành may da” do Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ – Thương mại sản phẩm da LADODA tổ chức.

Bằng tâm huyết, nhiệt tình với nhiệm vụ được giao, những cán bộ, người lao động Thủ đô đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực vươn lên đạt thành tích nổi bật trong công việc chuyên môn. Hơn ai hết, họ chính là hạt nhân đoàn kết, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương, đơn vị.

 

Nguồn: Báo HNM Online

CHIA SẺ

KHÔNG NHẬN XÉT

Comments are closed.