Thị trường bán lẻ trước “giờ G”

Thị trường bán lẻ trước “giờ G”

915
0
Thị trường bán lẻ trước “giờ G”

Thị trường bán lẻ trước “giờ G”Thị trường bán lẻ Việt Nam trước “giờ G” mở cửa vào ngày 1/1/2009 theo cam kết gia nhập WTO đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Năm 2008, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của Việt Nam đã đứng vị trí thứ 1, trong khi năm 2007 Việt Nam đã là thị trường hấp dẫn thứ 4 trên thế giới (tụt một bậc so với năm 2006) sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam bình luận rằng, với vị trí số 1, Việt Nam đã trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn nhất thế giới, nhưng mặt trái của “tấm huy chương” này lại thể hiện sự yếu kém trong năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Với quy mô thị trường trên 83 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam có tổng trị giá hơn 40 tỷ USD/năm (số liệu của Tổng cục Thống kê). Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 5 trên toàn thế giới và người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu thế giới về tiêu dùng hàng kỹ thuật cao.

Cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, đã có dự đoán cho rằng trong khoảng 10 năm nữa, mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán lẻ mới vẫn được thành lập nhưng sẽ chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam còn trụ lại được trước áp lực mở cửa thị trường phân phối bán lẻ và sự giảm dần của các rào cản gia nhập thị trường song song với việc xây dựng và hình thành một môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ rõ, trong các điều kiện gia nhập WTO, chúng ta có đàm phán để đạt được cam kết doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài muốn được mở cơ sở bán lẻ thứ 2 thì phải được cấp phép của các nhà chức trách Việt Nam, đây là một thành công của chúng ta.

Một dẫn chứng điển hình là nước láng giềng Trung Quốc đã thống kê có tới 30.000 doanh nghiệp bán lẻ và 10 triệu lao động bán lẻ không có việc làm do không cam kết yếu tố này nên các nhà bán lẻ nước ngoài thành lập hàng chuỗi các địa điểm phân phối tại thị trường Trung Quốc.

Theo ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, đặc thù của thị trường bán lẻ khác với những thị trường khác nên về mặt tổ chức và pháp luật cần nghiên cứu sâu hơn, bởi cơ sở pháp lý cho hoạt động bán buôn, bán lẻ vẫn còn rất yếu. Trên thực tế, ngay cả Luật Thương mại mới cũng vẫn còn quá chung chung đối với việc tổ chức và thực thi đối với hoạt động bán lẻ.

Ngay cả quyền và nghĩa vụ của các bên bán buôn, bán lẻ cũng chưa được xác định cụ thể, vì vậy, cần thiết phải xây dựng thêm một Nghị định riêng. Hoặc những quy định về mô hình tổ chức cũng cần phải được xây dựng sao cho phù hợp hơn nữa với điều kiện của Việt Nam.

Đúc kết sau 10 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đã thừa nhận rằng một trong những điểm không thành công của ông là việc tổ chức, phát triển hệ thống và mạng lưới phân phối, bán lẻ mặc dù ông rất quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà chức trách chỉ có thể gợi ý, yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trực thuộc Bộ, chứ không thể ra lệnh hành chính để buộc họ phải thực hiện.

Ông Tuyển cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam yếu kém là do chủ trương đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ không được bình đẳng như đầu tư vào sản xuất.

Với tư cách là một trong 4 doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín trong nước và trên thương trường quốc tế. Nhưng Hapro vẫn cần phải khắc phục những điểm yếu chung của ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam như tính chuyên nghiệp, dịch vụ giao nhận kho vận logistics và sự liên kết.

Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cũng là một vấn đề cần quan tâm nhưng đó không phải là mối lo lớn, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, để có thể đón đầu hội nhập thành công, Hapro nên tập trung vào 3 điểm. Thứ nhất, cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cung ứng, xây dựng phong cách bán hàng đặc trưng của Hapro.

Muốn xây dựng Hapro thành một hãng có tên tuổi, tất cả những điểm kinh doanh mang thương hiệu Hapro đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn đó, không gây ảnh hưởng đến uy tín chung của Tổng công ty.

Trước mắt, Hapro có thể làm từng bước, thực hiện đối với từng mặt hàng để dần tiến lên sự hoàn thiện. Thứ hai, Hapro nên phát triển kinh doanh theo hướng tăng cường phân phối sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Điều này được thực hiện thông qua việc Hapro phối hợp với các nhà sản xuất Việt Nam tạo kênh cung ứng hàng hoá ổn định.

Phát triển phân phối sản phẩm hàng hoá của Việt Nam không chỉ góp phần giảm nhập siêu mà còn góp phần giảm giá thành, củng cố lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hoá trong nước sản xuất. Thứ ba, địa giới Hà Nội chuẩn bị được mở rộng tới diện tích 3.000 km2 và dân số gấp 1,6 lần hiện tại.

Vì vậy, Hapro nên nhanh chóng phát triển trong Thủ đô, kiên quyết thành lập bộ phận triển khai mạng lưới phân phối ở quy mô và tầm cỡ khác nhau tại nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội mới. Điều này cần phải có ý chí, bản lĩnh và thái độ quyết liệt của ban lãnh đạo Hapro.

Tiếp thu những ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hapro cho biết, Hapro sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam trên các trụ cột tư duy, truyền thống, tốc độ và quy mô.

BTK-theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

CHIA SẺ

KHÔNG NHẬN XÉT

Comments are closed.